Vovinam Việt Võ Đạo

HÀNH TRÌNH ĐÔNG BẮC, THĂM VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO BẮC KẠN – ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ.

Tác giả: Võ sư NGUYỄN HỮU PHƯỚC LONG.

Đầu tháng 12, khi Miền bắc ngập trong giá lạnh tôi lang thang miền Đông Bắc thăm thác Bản Giốc (Cao Bằng), ngọn thác làm ranh giới Việt Nam – Trung Quốc. Sau khi thăm thú Cao Bằng, hạ độ cao bằng 3 ngọn đèo hiểm trở, tôi trở ngược xuống Bắc Kạn, tranh thủ thời gian ghé vào tham quan hồ Ba Bể. Trước chuyến đi, tìm hiểu trên mạng tôi biết hiện ở Bắc Kạn có phong trào Vovinam, nên cố gắng sắp xếp thời gian ghé thăm, trước là tìm hiểu sau là làm quen!

Xin nói đôi nét về Vovinam Miền bắc (tạm chia “Miền bắc” là từ Quảng Bình trở ra).

Mặc dù Vovinam do thầy Sáng tổ Nguyễn Lộc lập ra tại Miền bắc, song do thời cuộc và một số vấn đề khác mà đến năm 1996 tại Miền bắc vẫn chưa có phong trào Vovinam. Thật ra, vào năm 1989 võ sư Chưởng môn Lê Sáng từng cử võ sư Nguyễn Anh Dũng (đã mất) ra Gia Lâm – Hà Nội mở lớp Vovinam, song vì duyên chưa đến nên phong trào tại đây tồn tại không bao lâu. Năm 1992, võ sư Phan Dương Bình (một trong những truyền nhân của thầy Sáng tổ) có đưa 2-3 vận động viên Hà Nội vào tham dự giải vô địch Vovinam Việt Võ Đạo toàn quốc lần thứ nhất (nếu tôi nhớ không lầm là có đoạt một huy chương đồng ở tiết mục biểu diễn đòn chân). Tuy nhiên, do võ sư Phan Dương Bình hoạt động mạnh bên phái Vịnh Xuân nên không có điều kiện phát triển Vovinam. Vovinam chính thức có mặt trở lại ở miền Bắc có thể tính từ năm 1997, khi anh Lê Hùng Ninh mở lớp Vovinam tại nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình (VS Lê Hùng Ninh trước tập tại Tổ đường), đến nay Vovinam Quảng Bình phát triển rất rộng và mạnh mẽ. Tiếp sau, năm 2002, anh Phạm Ái Quốc đưa Vovinam vào dạy tại trường Trung học TDTT Yên Bái (VS Phạm Ái Quốc tập Vovinam tại Tây Ninh, năm 1994 xuống Thủ Đức học Đại học TDTT và có tập tiếp Vovinam tại Thủ Đức, sau đó VS Quốc ra Hà Nội học trường Đoàn trung ương. Người đẹp Cao Thùy Dương là học trò cưng của VS Quốc). Hiện nay Vovinam Yên Bái phát triển cũng khá mạnh. Tuy vậy, Vovinam Miền bắc nói chung và Hà Nội nói riêng phát triển mạnh và rầm rộ như ngày hôm nay phải nói đến khi có sự tham gia của anh Phạm Quang Long, từ năm 2005. Anh Phạm Quang Long vốn là dân điện ảnh, song rất đam mê võ thuật. Với tình cảm dành cho Vovinam, anh từng vào Sài Gòn thọ giáo thầy Nguyễn Văn Chiếu và các võ sư, huấn luyện viên Vovinam quận 8. Bằng tài năng và bản lĩnh của mình, VS Long phát triển Vovinam ngày một lớn mạnh và rộng khắp. Không chỉ ở Hà Nội mà học trò của anh còn về các tỉnh phát triển phong trào.

Có thể nói lực lượng võ sư, huấn luyện viên Vovinam Miền bắc hiện nay khá đông. Các võ sư, huấn luyện viên này đến từ 2 nguồn:

1. Học Vovinam từ Miền nam ra: VS Ninh (Quảng Bình), VS Quốc (Yên Bái), VS Lê Hải Bình (Hà Nội, VS Bình học Vovinam tại Nha Trang), một số huấn luyện viên xuất thân từ Vovinam Đại học Hồng Bàng.

2. Học Vovinam tại Miền bắc (khá đông là học trò của VS Phạm Quang Long, trong đó rất nhiều bạn chuyển từ môn phái khác qua). Người phụ trách Vovinam Bắc Kạn, Hà Đức Diện, mà tôi ghé thăm cũng nhận là học trò của VS Long.

Xin quay lại với chuyến ghé thăm Vovinam Bắc Kạn.

Dù chưa quen – biết nhau, nhưng khi nghe tôi giới thiệu là dân tập Vovinam muốn ghé thăm, anh Diện đã nồng hậu đón tiếp. Do anh đưa vào phòng làm việc nên tôi cũng chủ động giới thiệu về mình một chút (dân phượt, biết đâu mà lần!). Tôi lên facebook, trưng ra mấy tấm ảnh mà tôi mặc áo xanh để anh Diện biết tôi là dân Vovinam thật! Hàn huyên tâm sự, tìm hiểu về hoạt động của Vovinam Bắc Kạn tôi thật sự khâm phục sự nhiệt tình và hiến thân vì Vovinam của anh Diện. Anh vốn học công nghệ thông tin, là vận động viên thi đấu Wushu, nhị đẳng Taekwondo nhưng vì yêu mến môn võ Việt Nam – Vovinam mà anh tìm đến VS Phạm Quang Long để tập. Tập cũng chưa được bao lâu, anh phải ra trường rồi về quê Bắc Kạn làm việc. Lúc mới về anh đi dạy học (hôm ngồi trò chuyện với anh, có một cô gái đến chào “Thầy Diện”, tưởng là dân Vovinam ai ngờ là giáo sinh trường sư phạm Bắc Kạn), sau đó anh chuyển qua công tác trong ngành công an. Với tình yêu dành cho Vovinam và được võ sư Phạm Quang Long động viên, hỗ trợ, tháng 11 năm 2010 anh mạnh dạn mở lớp Vovinam đầu tiên tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh. Đến thời điểm này phát triển lên được 3 câu lạc bộ. Một mình anh phải đảm nhận huấn luyện cùng một lúc 3 câu lạc bộ, tự bỏ tiền túi ra làm trang web Vovinam Bắc Kạn, tự trang bị dụng cụ tập luyện, phải nói là rất đáng trân trọng. Vừa mới lập gia đình, công tác trong ngành lực lượng võ trang mà bố trí thời gian để huấn luyện như thế thật là đáng quý. Hi vọng trong thời gian tới anh đào tạo được vài huấn luyện viên để hổ trợ anh phát triển phong trào.

Tôi hỏi anh, vậy bài bản, đòn thế ngày trước học nhanh và ngắn quá làm sao mà nhớ hết được. Anh thật thà bày tỏ: “Cần nội dung nào, em lên mạng tìm rồi quay chậm lại tập, xem clip của thầy Quỳ ( VS Nguyễn Hồng Quỳ – Quận 8) và clip của những giải toàn quốc”. Anh còn cho biết, tranh thủ các ngày nghỉ phép anh xuống dự những buổi tập huấn do Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Liên đoàn Vovinam Hà Nội tổ chức để học thêm; khi dẫn quân đi dự giải cũng tranh thủ học hỏi các sư huynh, sư phụ khác.
Trao đổi tâm tình, anh cũng bày tỏ nhiều ưu tư và lo nghĩ. Anh sợ một ngày nào đó Vovinam Bắc – Nam có sự cách biệt, anh cảm thấy phân vân khi một bài quyền mà mỗi nơi đánh mỗi khác, mỗi thầy đánh mỗi kiểu. Anh còn đặc ra câu hỏi (dù có xin lỗi) là quý thầy ngồi chấm những bài biểu diễn như thế có thuộc bài đó không, đâu là bài đánh đúng nhất? Tôi rất đồng cảm với những suy nghĩ của anh. Bản thân tôi và chắc cũng có một số đồng môn cùng nỗi ưu tư như anh Diện. Việc chuẩn hóa đòn thế được nói đến khá lâu, được lập đi lập lại đã nhiều, nhưng tới bây giờ chưa làm được bao nhiêu. Mặc dù Liên đoàn cũng đôi ba lần tập huấn chuẩn đòn thế, nhưng có lẽ sau tập huấn vẫn không mấy thay đổi. Tôi nghĩ trách nhiệm này trước hết thuộc quý thầy Hội đồng Chưởng quản. Dù biết quý thầy quá bận việc, song chuẩn đòn thế là một việc hết sức hệ trọng trong hành trình phát triển môn phái. Nhất là trong bối cảnh Vovinam ngày một mở rộng và phát triển khắp nơi, cũng như nhiều người từ môn phái khác chuyển qua tập luyện rồi huấn luyện Vovinam. Tôi nghĩ, nếu quyết tâm, có sự trao đổi kỹ giữa quý thầy Lớn, có kế hoạch cụ thể thì việc chuẩn đòn thế từng bước sẽ đạt được. Chúng ta có thể học cách làm của Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF), hàng năm Tổng đàn Kukkiwon đều tổ chức tập huấn đòn thế cho các võ sư và huấn luyện viên WTF trên toàn thế giới, Taekwondo Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo này. Có khi, mỗi đợt tập huấn họ chỉ chỉnh 2–3 động tác của một bài quyền nào đó. Vừa tốn kém (tiền), vừa mất thời gian, nhưng anh muốn làm huấn luyện viên là anh phải đi tập huấn, anh phải cập nhật những thay đổi, anh phải quyện vào cái chung. Họ làm thế, tôi nghĩ Vovinam chúng ta có thể nghiên cứu học hỏi.

Chưa bao giờ Vovinam phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên mãnh đất hình chữ S như ngày hôm nay, từ Bắc chí Nam, từ Cao nguyên xuống Duyên hải, từ đồng bằng đến Trung du, miền núi. Sự phát triển ấy là thành quả đạt được do sự lãnh đạo và dấn thân của thầy Chưởng môn Lê Sáng, thầy Trần Huy Phong, thầy Nguyễn Văn Chiếu và bao quý thầy võ sư khác. Vovinam phát triển ngày một mạnh mẽ là niềm tự hào của mỗi Việt võ đạo sinh, là niềm vui của những người yêu mến võ Việt. Song nếu chúng ta không bình tâm soi xét, không quyết liệt trong định hướng hành động thì sự phát triển vượt bậc của Vovinam trong thời gian gần đây cũng như trong thời gian tới chứa đựng nhiều bất trắc. Ai cũng có thể đứng lớp dạy Vovinam; vì nhu cầu phát triển mà cho nhiều người mang đai cao; việc “nhuộm xanh” ồ ạt – cho nhiều người từ môn phái khác sang để làm huấn luyện viên; tính vùng miền cục bộ; đặt nặng thành tích nên lấy người không học Vovinam đi thi đấu; tính tôn ti – tự tình môn phái bị xem nhẹ, …

Thời nào và ở đâu cũng vậy, khi ta thật tâm yêu mến và hết lòng vì môn phái Vovinam Việt Võ Đạo thì mỗi chúng ta có thể làm được ít nhiều những điều tốt đẹp cho môn phái. Vô tình gặp anh Diện trên vùng Tây Bắc Tổ quốc, tôi đồ rằng thấy được bóng dáng một người thật tâm yêu mến môn võ của Sáng tổ Nguyễn Lộc. Khi chia tay anh tôi còn nhắc vui: nhớ đọc là vô – vi – nam đừng đọc là vo – vi – nam nhé. Hẹn gặp anh một ngày tại Sài Gòn, khi anh thu xếp công việc để làm một chuyến du Nam tầm sư học tiếp những thế võ Vovinam mà anh còn nhiều điều muốn tìm hiểu.

Sài Gòn, 10 – 12 – 2012
Tuệ Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *