NỚI RỘNG LÒNG TỪ ÁI – VÕ SƯ LÊ CÔNG DANH

NỚI RỘNG LÒNG TỪ ÁI – VÕ SƯ LÊ CÔNG DANH.

Trong những năm tháng sinh hoạt cùng môn phái Vovinam, bên cạnh sự dạy dỗ của hai bậc thầy kính mến: Chưởng môn Lê Sáng và võ sư Trần Huy Phong, tôi còn được một số đàn anh dìu dắt. Trong số này, võ sư Lê Công Danh là người đã trực tiếp hướng dẫn tôi ở võ đường số 61 đường Vĩnh Viễn, quận 10, Saigon…

1. Chiều 22-11-2012, một số đàn em như: Nguyễn Chánh Tứ, Trần Đa, Trịnh Thế Hùng, Nguyễn Thanh Hương… đã ra đón anh Danh và gia đình tại sân bay Tân Sơn Nhất khi anh từ Australia về thăm quê hương. Vừa ra đến sảnh sân bay, anh Danh chuyện trò vồn vã và dù đã nhiều năm không gặp nhưng anh vẫn gọi đúng tên từng người như vừa mới gặp gỡ hôm qua. Vóc dáng anh vẫn khỏe mạnh, rắn chắc và nhanh nhẹn dù đã ngoại “thất thập cổ lai hy”. Đây là lần thứ ba anh về nước (lần đầu năm 2004 và lần sau năm 2005). Lần này, anh về cùng vợ anh (chị Giang Thị Lệ Hằng) và con rễ (em Võ Kinh Quốc).

Trong bữa cơm ấm áp tối hôm đó, anh cùng chúng tôi đã vui vẻ ôn lại không ít kỷ niệm ấm áp ngày xa xưa. Anh bày tỏ: “Anh về Việt Nam lần này là để thăm anh em Vovinam. Anh sẽ đến Tổ đường thắp hương cho thầy Sáng tổ, thầy Chưởng môn và thăm em Nguyễn Văn Sen. Anh cũng sẽ đi thăm hai anh Cao Văn Cát, Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ và hai em Ngô Kim Tuyền, Nguyễn Văn Chiếu. Thời gian còn lại anh rảnh nên có thể gặp các em, cà phê tâm tình cho vui”.

“Bộ nhớ” của anh còn tốt lắm. Anh nhớ rõ rất nhiều sự việc, cả ngày tháng mà tôi và một số đồng môn bắt đầu bước chân vào võ đường Vĩnh Viễn dù cách nay đã 48 năm. Nhờ anh mà tôi nhớ lại tên một số đồng môn cùng lớp, cùng khóa thi… Trong khi trò chuyện, anh vẫn hóm hỉnh như ngày nào. Bàn chuyện lên thăm anh Quỳnh Kỳ, anh vừa cười, vừa nói: “Phải có chú nào đi với tôi lên anh Kỳ để nghe “tụng kinh” phụ chứ mình tôi chịu sao nổi”, một bạn ngồi chung bàn liền đáp: “Tụi em nghe “tụng” nhiều rồi, giờ đến lượt anh”, nghe xong mấy anh em vui vẻ cười xòa…

Một thoáng trầm ngâm, anh nói tiếp: “Tình Vovinam cao đẹp lắm! Mấy chú biết không, anh ruột của tôi trong nhà, tôi gọi anh và xưng tôi, nhưng anh Cát và anh Kỳ dù nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng là lớp đàn anh nên tôi vẫn gọi anh và xưng em đàng hoàng. Tôi cũng có dịp tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, cứ đúng hệ Vovinam là ráp lại với nhau chuyện trò vui vẻ. Lần này tôi nói Kinh Quốc sắp xếp cùng về Việt Nam để cháu hiểu thêm về sinh hoạt và tình Vovinam trong nước. Kinh Quốc cũng là một võ sư Vovinam, từng theo học với tôi trên 20 năm…”.

2. Tuy các võ phái ở Saigon bị hạn chế hoạt động từ khoảng cuối 1961, nhưng Vovinam vẫn âm thầm mở lớp ở một số trường trung học tư thục thời bấy giờ như: Ánh Sáng, Saint Thomas, Thăng Long. Trí Đức, v.v. Nhờ vậy, môn phái mới có được nhân sự biểu diễn, phụ tá huấn luyện khi bắt đầu khôi phục từ giữa năm 1964, trong đó có anh Danh.

Anh đến với Vovinam từ năm học 1962-1963. “Lúc đó, tôi đang học tại Trường trung học tư thục Âu Lạc (trên đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần). Thấy tôi và một số bè bạn thường tham gia các hoạt động thể thao, võ sư Trần Huy Phong dạy môn Toán tại trường đã rủ chúng tôi học Vovinam do anh dạy tại Trường trung học tư thục Saint Thomas”, anh Danh kể lại khi ngồi cùng tôi và Kinh Quốc trong một quán cà phê trên đường Lê Văn Sỹ sáng ngày 24-11.

Hồi đầu thập niên 1960, Trường Saint Thomas nằm trong khuôn viên Nhà thờ Ba Chuông (đường Trương Minh Giảng, nay là số 190 đường Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM). “Lớp võ bắt đầu tập từ sau 17 giờ tại hàng hiên bãi đậu xe đạp. Tôi học lớp ngày chẳn còn anh Trần Văn Bé học lớp ngày lẻ, mỗi lớp không quá 20 người. Cùng tập nơi đây còn có các anh học trước tôi một thời gian như: Trần Huy Quyền, Nguyễn Xuân Ngọc, Đặng Đình Phúc, Nguyễn Văn Thái. Ngang lớp vớ
i tôi là các anh Nguyễn Công Tấn, Trần Văn Bé, Nguyễn Văn Thông, Trần Văn Trung, Trần Miếng, Nguyễn Văn Phượng, Quang… còn Dương Hoành San, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Văn Sinh (Hoàng Minh Cường) tập sau tôi một vài tháng”, anh Danh hồi tưởng. Anh cho biết thêm, thỉnh thoảng các đàn anh của mình như: Tô Cẩm Minh, Liên Quốc, Cao Văn Cát, Trịnh Văn Mão (Trịnh Ngọc Minh) cũng đến Saint Thomas tập luyện để chuẩn bị biểu diễn. “Thần tượng của tôi lúc bấy giờ là anh Cát và anh Mão. Đứng nhìn hai anh đánh bài vật số 3 mà “chảy nước miếng”, còn hai anh Cẩm Minh và Liên Quốc thì thường tập bài Song luyện số 5”.

Sau khi nhập môn, lớp của anh Danh mặc áo thun, quần đùi màu xanh có viền vàng ở lai quần. Trực tiếp đứng lớp là võ sư Trần Huy Phong. Đi dạy Toán ở một vài trường rồi đến trường Saint Thomas luôn nên thầy vẫn mặc quần tây, áo sơ-mi và đeo cravate khi dạy võ. Đối với anh, một trong những kỷ niệm đáng nhớ hồi thời kỳ này là lúc được võ sư Mạnh Hoàng (Phùng Mạnh Chữ) hướng dẫn đi biểu diễn cứu giúp nạn lựt miền Tây ở Long Xuyên năm 1963. Trước khi đi Long Xuyên, nhóm biểu diễn (hơn 10 người) tập họp trước sân nhà võ sư Mạnh Hoàng để ôn tập. “Lúc đó, chúng tôi còn trẻ mà được ăn nghỉ ở khách sạn Kim Tinh (Long Xuyên) nên thích thú vô cùng. Thấy áo thun trắng có vẻ hơi trống trải nên chúng tôi mua màu vẽ thêm chữ Vovinam phía sau lưng áo và mặc với quần đùi khi biểu diễn”, anh Danh kể tiếp.

3. Lớp Vovinam đầu tiên của võ đường Vĩnh Viễn khai giảng ngày 15-7-1964. Hơn 3 tháng sau, một số anh theo tập ở Saint Thomas cũng như vài nơi khác được thăng Hoàng đai và được quý thầy phân công phụ tá huấn luyện. “Trong số những phụ tá còn có vài người lớp đàn anh của tôi như: Nguyễn Bột (Nguyễn Bình, cùng lớp với anh Phong), Nguyễn Văn Hách, Nguyễn Văn Thái…. Lúc đó, môn phái vừa tái lập, còn nhiều khó khăn nên chỉ vẽ được một panô quảng cáo. Bên cạnh công việc phụ tá huấn luyện, Bé, Thông, Trung và tôi còn có nhiệm vụ mượn hoặc thuê xe xích lô chở tấm panô đó đặt ở trường trung học này vài hôm rồi chuyển sang trường khác. Chúng tôi cột thật chặt tấm panô vào gốc cây rồi ngày nào cũng phải xem chừng có bị mất cắp không (cười)… Những buổi tối phải di chuyển tấm pa nô, anh Trung là người lo thuê xe xích lô nên anh em chúng tôi gọi đùa là “Trung xích lô ”, anh Danh cho biết thêm.

Anh Danh rất vững vàng về kỹ thuật, từng nhiều lần đỗ Thủ khoa và được nhiều anh em quý mến. Lúc thầy Chưởng môn nằm điều trị ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương (năm 2010), mỗi khi nhắc đến anh, Thầy nói: “Nhờ có anh Danh trụ tại Vĩnh Viễn mà thầy mới có thời gian đi dạy nơi này, nơi khác”. Thông thường, anh ôn đòn khoảng 40 phút, sau đó Thầy vào lớp dạy đòn thế mới trong 20 phút còn lại.

Anh dạy ngày chẵn, sáng từ 5 đến 9 giờ và chiều từ 15 giờ đến 21 giờ còn ngày lẻ thì anh Bé, anh Thông phụ trách “So sánh để các chú hình dung, học phí lúc đó là 120 đồng/tháng, trong khi 1 tô phở giá 5 đồng. Mỗi tuần lớp tập 3 buổi, mỗi buổi 1 giờ. Khi tôi sắm được chiếc xe Velo Solex thì thầy Sáng cho tôi mỗi tháng 200 đồng để đổ xăng”, anh Danh nhớ lại.

Thời đó, anh Danh và anh Bé đều tập tạ nên thể hình trông rất đẹp. Sau khi biểu diễn bài song luyện mã tấu, hai anh cởi áo đánh tiếp bài vật số 3 khiến người xem rất thích thú. Lúc võ đường Hoa Lư mới thành lập (1966), thỉnh thoảng anh Danh dẫn lớp chúng tôi lên đây tập khi có khách đến thăm.

Sau một thời gian trụ ở Vĩnh Viễn, khi lớp chúng tôi bắt đầu “cứng cáp”, anh Danh chuyển sang trụ ở Hoa Lư đồng thời huấn luyện ở một số nơi khác như: Trung học Gia Long, Trung học Petrus-Ký, Trung học Đức Trí… cũng như chấm thi hoặc hỗ trợ cho nhiều tỉnh, thành, ngành… Qua sự giới thiệu của anh Quỳnh Kỳ, anh còn tham gia “đóng phim” – thế vai diễn viên Huỳnh Thanh Trà đánh đòn chân số 11 tại vườn Tao Đàn trong phim “Loan mắt nhung”, trình chiếu ở Saigon hồi năm 1970. Một hai năm sau, thầy Chưởng môn và anh Quỳnh Kỳ tổ chức quay một phim về Vovinam dài khoảng 30 phút tại thành phố Đà Lạt, anh cũng là một trong những “diễn viên”…

Sang định cư ở Australia từ năm 1985 đến nay, anh vẫn gắn bó cùng môn phái. Có một khoảng thời gian dài chừng 20 năm, anh làm việc đến 12 giờ/ngày để mưu sinh, nhưng vẫn dành thêm 4 giờ dạy Vovinam, vài năm gần đây mới giảm xuống.

Võ phục Karate

Gặp lại các đàn anh, đàn em, học trò của mình trong những ngày qua, anh luôn ước mong tất cả môn sinh, môn đồ Vovinam nên hòa hợp: “Chúng ta là gia đình Vovinam, dù có lấn cấn, khúc mắc vẫn nên vui vẻ với nhau. Các em cần tôn trọng lẫn nhau, không nên phân biệt vùng miền, học trò của người này, người khác. Hợp thì cùng nhau làm việc còn chưa hợp thì việc ai nấy làm. Nhưng nếu vì sự phát triển của môn phái thì anh nghĩ từ từ cũng hòa hợp thôi! Mặt nước hồ thu dù có phẳng lặng bao nhiêu, nhưng ném một viên đá xuống thì sẽ gợn sóng. Dù vậy, cũng chỉ thoáng qua trong chốc lát rồi lại êm ái phẳng lặng như xưa…”.

Anh cũng đồng tình với ý kiến nên thay thế bộ võ phục hiện hành cho phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Về chương trình huấn luyện, anh đã nhờ Nguyễn Chánh Tứ thực hiện một clip video 28 thế vật của Vovinam. “Đi tập huấn hoặc chấm thi nhiều nơi, anh thấy các đòn vật ở vài đơn vị có chút khác biệt. Vậy Tứ thực hiện clip video để anh em mình cùng nghiên cứu, tiến đến thống nhất”, anh giải thích. Trao đổi về những bài bản “du nhập”, anh cho rằng từ từ anh em mình nên sắp xếp lại rồi đưa vào phần nghiên cứu để biết thêm cái hay, cái đẹp. Trong hành xử, anh nhắc nhở chúng tôi: “Ở nơi nào thì phải tuân thủ luật pháp nơi đó” hoặc “Người thầy, người đàn anh phải nên bao dung cho học trò và đàn em”.

Với bao luyến tiếc của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” vẫn còn đọng trên gương mặt dày dạn phong trần của vị võ sư cao cấp ở nước ngoài vừa trở về thăm quê để gặp lại đàn em ngày trước đã cùng nhau luyện tập tại võ đường Vĩnh Viễn và nhiều nơi khác, sau nhiều giờ tâm tình, anh Lê Công Danh khẳng khái thốt lên: “Sao cái tình Vovinam thân thiết và diệu kỳ như vậy!”. Nghe anh nói, tôi lại nhớ lời một người đàn anh khác: “Các chú đừng quá thiên về lợi danh mà chuyện đó có thể làm phai lạt đi cái tình Vovinam – tình đồng môn cao đẹp”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *